Tuesday, 19 March 2013

Những người mở cửa Saigon

(Viet Aviation) Chỉ có sự rộng mở tinh thần và tình cảm của nơi chốn chúng ta sống mới trả ta về được với chính tính cao thượng.

Thủ Thiêm nhìn từ trên cao - Photo: F.G.-L.A.

>> Đêm đô thị <<
>> Không ảnh Hòn ngọc Viễn Đông thập niên 60 70 <<

Đã lâu rồi tôi mới lại đạp xe đạp, cái cảm giác không bị cuồng chân và được đi trong bóng tối đầu ngày, tuy là một cảm giác cũ nhưng lại hoàn toàn mới mẻ. Tôi đi trên đường 3/2, vừa qua góc đường Nguyễn Kim thì phát hiện ra mình đã nối đuôi theo sau những chiếc xe đạp của những người đàn bà. Không biết họ thức từ lúc nào, chỉ biết giờ này họ đang trên đường đưa hàng hóa từ chợ đầu mối An Lạc - Bình Điền, quay về chuẩn bị buổi chợ của mình.

Đạp xe trước tôi là một thiếu nữ trẻ, cô mặc cái áo bộ đội, trong đêm và qua ánh đèn đường, lưng áo cô, chỗ giáp với đuôi tóc vẫn lộ ra những khoảng vải áo bạc màu. Trước cô, những người đàn bà khác cũng mặc áo bộ đội. Tôi không hiểu vì sao trong đêm họ vẫn cứ đội nón lá, Sài Gòn làm gì có sương rét buổi sớm mai. Không ai biết họ đến Sài Gòn đã bao lâu, nhưng từ tập quán họ ý thức rằng đến với Sài Gòn, với trọn vẹn diện mạo bên ngoài và cả tâm hồn, họ muốn Sài Gòn nhìn thấy họ trên cái nền gốc họ có.

Kênh Nhiêu Lộc - Photo: WindLX5

Trong cách nhìn văn hóa, những người nhập cư, từ lao động phổ thông cho đến trí thức, chính họ là dòng máu mới, sức sống mới của một đô thị. Và Sài Gòn từ xưa đến nay, lúc nào cũng là một đô thị rộng mở để dung hòa mọi thành tựu: lao động của người bản địa và người nhập cư. Chính tiến trình không gián đoạn của những dòng người nhập cư, khởi đầu từ các tỉnh thành miền Nam, sau đó rộng ra cả nước, đã tạo nên lịch sử văn hóa Sài Gòn.

Đội bóng Saigon Heat - Photo: Hữu Hậu

Ngay trước mặt tôi, phía sau chiếc xe đạp của những người phụ nữ lam lũ là cái giỏ to chất đầy hàng hóa, những bó rau xanh, những vỉ trứng... Những người lao động nhập cư này sinh sống bằng những đồng lời ít ỏi kiếm được trên từng gam thịt, con cá... Tôi đạp xe theo sau họ và nhớ trước kia không có chuyện người ta đưa hàng hóa đến từng con đường, từng căn nhà như hôm nay. Có thể chuyện mua bán này khiến những người nội trợ làm biếng hơn, nhưng ở cách nhìn khác đó là một phương thức tiết kiệm thời gian và công sức cho cả người mua lẫn người bán trong một nhịp sống nhanh hơn.

Công trường Mê Linh - Photo: PhiLinhPhiLan

Không ở nơi cư trú nào mà con người ý thức rõ thời gian là tiền bạc như khi sống ở đô thị. Trên thế giới, giá trị lớn của một đô thị chính là sự phân phối, để thiết lập một mặt bằng sao cho tài- sản - thời - gian được cân đối với từng tầng lớp dân cư khác nhau. Vì lợi - tức - thời - gian không dừng lại, nên không thể xét đoán bằng những lý thuyết công bằng cổ điển. Và người Sài Gòn ý thức rằng, chia sẻ nguồn - lợi - thời- gian cho người khác kiếm sống chính là giá trị cao thượng trong đời sống của thị dân.

Đô thị mở

Ở góc đường Lý Thái Tổ, quán phở Tàu Bay vẫn mở cửa sớm, đây có lẽ là quán phở duy nhất có tấm biển định giờ mở cửa đóng cửa như công sở: Phở Tàu Bay mở cửa từ 3 giờ 30 đến 1l giờ 15 trưa, vẫn mái nhà lợp tôn thiếc cũ như trước 1975. Những lần ăn phở ở cái quán nổi tiếng của người Bắc di cư này, tôi đều có ý trông chờ một sự thay đổi nào đó. Nhưng thật lạ, đã qua bao nhiêu thời gian mà người phục vụ ở đây vẫn rặt một giọng Bắc, cái giọng Bắc có chủ ý lên giọng rất cao của những người phục vụ lúc kêu phở, đó là một thứ phong vị văn hóa riêng.

Đường Tự Do - Photo: David OMalley

Nhiều người từ các tỉnh đến Sài Gòn chưa bao lâu đã đổi giọng nói của mình, không thể nói đó là một điều không hay, trong nhiều chọn lựa để hội nhập, thay đổi giọng nói hay thay đổi phong cách, tập quán sống chính là để trở nên Sài Gòn hơn. Và cả khi người ta không hề ca ngợi gì về Sài Gòn, nơi tạo dựng mọi thành công cho họ, mà chỉ nuôi nỗi nhớ về kỷ niệm cố hương, điều đó cũng cho thấy người ta đã Sài Gòn hơn.

Đại lộ Hàm Nghi - Photo: Phan Van Thao

Không chỉ mình tôi, nhiều thực khách cũng không thể ăn hết một tô phở Tàu Bay. Nhưng hôm nay ở quán có một sự thay đổi, tô phở bây giờ nhỏ hơn trước đây, ngay cả tô Xe Lửa cũng có vẻ nhỏ hơn để chiều theo thị hiếu. Trong chiều dài lịch sử văn hóa ẩm thực Việt Nam, sự kiện phở du nhập vào Sài Gòn có lẽ là sự kiện trọng đại nhất. Cũng không có gì quá đáng khi nói rằng Sài Gòn ăn phở và thay đổi vì phở.

Và không chỉ có văn hóa ẩm thực, đô thị này, ngay từ buổi đầu hình thành đã là nơi tạo nên đỉnh cao của mọi tiến trình văn hóa mà nó đón nhận. Sài Gòn đón nhận mọi nguồn văn hóa và làm nên các giá trị văn minh, thông qua chuyện cưu mang những số phận con người từ khắp mọi vùng miền và cả các dân tộc khác.

Kênh Bến Nghé - Photo: Soul Labyzinth

Thầy Cù An Hưng, một giáo sư toán, buổi đầu di cư vào Sài Gòn tạm trú ở xóm của những người di dân Bạc Liêu. Thầy kể rằng, những cảm xúc mới về đất về người của thầy được hình thành từ các bài ca vọng cổ của xóm Bạc Liêu giữa lòng Sài Gòn. Và đến giờ thầy vẫn tự hào về những ngôi trường tư thục do người Bắc vào mở ở Sài Gòn, cũng như ngưỡng mộ sự nghiệp lập gánh cải lương của bà bầu Kim Chung.

Đại lộ Nguyễn Huệ - Photo: jo.sau

Một đô thị lớn đúng nghĩa không thuộc về tầm mức diện tích địa lý, mà là khả năng dung chứa văn hóa và ý thức mở rộng hài hòa các nguồn văn hóa.

Ngày nay có khi người Ấn nổi tiếng nhất lại là người đang dạy Yoga trên ti vi, đã qua rồi hình ảnh các ông Chà chủ tiệm vải, tiệm cơm cari nị. Tiệm trà của người Hoa đến Sài Gòn với màu sắc hiện đại của những thương hiệu lạ, không còn thông qua màu sắc truyện tranh Phong thần hay Tam Quốc vẽ trên xe hủ tíu. Ngay cả tô Phở cũng thay dổi phong vị bởi tương đen tương đỏ, sa tế, rau thơm... Và có thể thấy rộng hơn là chuyện cả người Tây, người Mỹ trở lại Sài Gòn cũng mang tinh thần và giá trị khác.

Công viên Gia Định - Photo: Dinh Thanh Hai

Nếu cho rằng văn minh là những giai đoạn đỉnh cao của văn hóa, thì mọi giai đoạn đỉnh cao nào cũng có lúc suy tàn. Sài Gòn nơi dung chứa, rộng mở mọi tốc độ sống, và suy tàn chính là để thúc đẩy mọi mặt mặt đời sống nhanh chóng tạo dựng những giá trị văn hóa - văn minh mới.

Sài Gòn đêm - Photo: vntexuser

Tôi lại tiếp tục đạp xe theo dòng người đi về hướng đông Sài Gòn, bóng đêm từ từ, trầm lặng và uy nghiêm của Sài Gòn đang lùi dần. Vào thời khắc này bình minh đang tới rất gần. Và nếu ở đâu đó trên khắp đất nước hay ở cả những miền đất xa lạ khác của thế giới, ai đó đang mơ hay vừa sực tỉnh trong tâm trạng: Cuộc sống này khó khăn biết mấy! Thì họ có thể tìm thấy một Sài Gòn mở, tuy đô thị này chưa phải là lý tưởng, nhưng trong lòng nó luôn sẵn giá trị sẻ chia, sao cho mỗi người được thấy mình như đúng cái mình có.

Chỉ có sự rộng mở tinh thần và tình cảm của nơi chốn chúng ta sống mới trả chúng ta về được với chính tánh cao thượng của chúng ta.

Trần Tiến Dũng (Vietnamnet)
Photo: Flickr.com

No comments:

Post a Comment