Thursday, 11 July 2013

Asiana Airlines và niềm kiêu hãnh Hàn

(TTVH) Vụ rơi chiếc máy bay của Hãng Hàng không Asiana Airlines của Hàn Quốc có thể chỉ được coi là một sự kiện thiếu may mắn, một tai nạn hàng không thông thường. Nhưng với Hàn Quốc, đây giống như một sự hổ thẹn quốc gia.

Asiana Airlines Boeing 777-200ER **

>> Skytrax 2012: Incheon đứng đầu TOP 100 sân bay <<
>> Suy ngẫm: Bình thường và "bình thường" <<

Khi tin tức về chiếc máy bay Boeing 777 của Asiana bị rơi vào cuối tuần ở San Francisco, người Hàn Quốc đã có những phản ứng hết sức đặc biệt.

Tổng thống lên tiếng xin lỗi

Giám đốc điều hành Asiana Yoon Young do xin lỗi dư luận sau vụ tai nạn Do 2 nạn nhân thiệt mạng là người Trung Quốc, đích thân Tổng thống Park Geun-hye đã chuyển thư tới tận Bắc Kinh để gửi lời chia buồn tới Chủ tịch Tập Cận Bình, các công dân Trung Quốc và gia đình 2 nạn nhân. Bà nói rằng vụ tai nạn của Asiana là "rất đáng tiếc".

Hành động của bà được đánh giá là hiếm có. Robert Kelly, một giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Pusan của Hàn Quốc nói rằng các chính trị gia từ những nước như Mỹ sẽ chẳng bao giờ làm điều tương tự, vì họ sợ bị doanh nghiệp kiện.

Asiana Airlines Boeing 777-200ER **. Photo: David Eun

Về phần Asiana Airlines, với một cái cúi đầu thật thấp, lãnh đạo công ty đã không chỉ xin lỗi các hành khách và gia đình họ mà còn với cả toàn thể đất nước Hàn Quốc. Cùng với nỗi buồn, vì đây là vụ tai nạn tai tiếng nhất liên quan tới một hãng hàng không Hàn Quốc trong thời gian gần đây, nên người dân xứ kim chi còn cảm thấy hổ thẹn trước việc sự kiện này sẽ khiến hình ảnh đất nước thay đổi ra sao.

Đây là các phản ứng mà những người sống ở Mỹ hoặc các nơi khác trên thế giới khó có thể tưởng tượng ra. Thực tế, sự thành bại của các công ty lớn ở Hàn Quốc đều đã liên quan tới tinh thần tự tôn dân tộc đáng tự hào của đất nước này.

Asiana Airlines Boeing 777-200ER **

"Tôi đã thực sự nghĩ trong thâm tâm rằng người nước ngoài sẽ xem vụ tai nạn như một sự phản chiếu (xấu) về toàn bộ đất nước Hàn Quốc" - Cheon Min-jun, một nhân viên văn phòng 30 tuổi cho biết hôm thứ Ba.

Niềm tự hào quốc gia nằm trong danh tiếng doanh nghiệp

Người Hàn Quốc rất quan tâm tới danh tiếng toàn cầu của các công ty nội địa. Nhiều người cảm thấy kiêu hãnh khi thấy các tấm biển quảng cáo của công ty Samsung nằm sừng sững ở Quảng trường Thời đại tại New York. Và khi công ty vấp váp, thu hút sự chú ý của quốc tế, cả đất nước Hàn Quốc sẽ có cảm giác hổ thẹn, ngay cả những người không có liên quan tới công ty.

Asiana Airlines Boeing 777-200ER **

"Tại phương Tây, sự tách biệt giữa các Chính phủ, xã hội và doanh nghiệp rạch ròi hơn" - Robert Kelly nói - "Các tổ chức lớn trong đời sống Hàn Quốc không tồn tại độc lập như thế. Họ làm việc cùng nhau, một cách đoàn kết, theo đuổi một hình ảnh lớn về Hàn Quốc".

Xu hướng thái độ này có thể đã hình thành từ các hoạt động phát triển kinh tế gần đây và mối quan hệ thân tình giữa các nhà lãnh đạo chính trị với giới doanh nghiệp trong những năm 1960 và 1970. Sau khi bị tàn phá trong cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Seoul đã bơm tiền cho nhiều công ty lớn và kiểm soát việc nhập khẩu một số loại hàng để bảo vệ các công ty này.

Asiana Airlines Boeing 777-200ER **

Các kế hoạch kinh tế do Chính phủ thúc đẩy đã cung cấp sự hỗ trợ ban đầu hết sức quan trọng cho các công ty như Samsung, Hyundai, LG trên bước đường trở thành những thương hiệu toàn cầu. Sự tăng trưởng kinh tế chóng mặt từ chỗ đói nghèo, đôi khi được gọi là Phép lạ bên sông Hàn, đã biến Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ tư ở châu Á.

Sự cố hàng không

Trong các doanh nghiệp Hàn Quốc, Asiana là một doanh nghiệp lớn. Dù không ở cùng hạng như Samsung và Hyundai, Asiana vẫn là một công ty thuộc tốp đầu của tập đoàn Kumho Asiana - tập đoàn tư nhân lớn thứ 16 Hàn Quốc. Công ty có nhiều tuyến bay quốc tế, với tư cách hãng hàng không lớn thứ hai đất nước, chỉ đứng sau Korean Airlines. Việc này khiến công ty được nhiều hành khách bình thường và giới doanh nhân toàn cầu biết tới, đồng thời làm nó dễ dàng rơi vào nhóm doanh nghiệp "cầm cờ đại diện do chiến thắng của nước nhà".

Asiana Airlines Boeing 777-200ER **

Vì lẽ đó các câu chuyện kể về việc phi hành đoàn của chiếc máy bay Asiana gặp nạn đã có những hành động anh hùng khi lo cứu mạng hành khách trước, đã khuấy lên cảm giác tự hào.

Sân bay Incheon ở Seoul đã trở thành sân bay lớn thứ hai thế giới về vận chuyển hàng trong năm 2011 và được Hội đồng các sân bay quốc tế xếp hạng đứng đầu về dịch vụ trong 8 năm liên tiếp.

Nhưng ngay từ trước khi cơ quan điều tra có kết luận chính thức về chuyện gì xảy ra trong vụ tai nạn làm 2 người chết và hàng chục người bị thương, người Hàn Quốc đã cảm thấy hổ thẹn vì một công ty của họ liên quan tới tai nạn. "Cảm giác thật xấu hổ" - Son Eun-jung, một nhân viên văn phòng 25 tuổi ở Seoul nói - "Tôi quan ngại về việc liệu mình có nên bay trên máy bay của Asiana nữa hay không. Nếu tôi là người Hàn Quốc mà còn nghĩ như thế, chẳng biết những người từ các nước khác sẽ đánh giá sao về công ty".

Asiana Airlines Boeing 777-200ER **

Được biết vụ tai nạn chết người đầu tiên liên quan tới một công ty hàng không Hàn Quốc là vụ rơi chiếc máy bay của Korean Air vào năm 1997 ở Guam. Sự cố này, cùng một loạt sự cố khác trong những năm 1990 và việc bị Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ đánh tụt hạng hồi năm 2001 đã khiến ngành công nghiệp hàng không Hàn Quốc lao đao. Tuy nhiên chính quyền và các hãng hàng không sau đó đã thực hiện nhiều nỗ lực để tăng cường hệ thống an toàn.

Sự đầu tư đó đã gặt hái thành quả. Hai hãng hàng không lớn nhất của Hàn Quốc đã tiến nhanh vào thị trường toàn cầu, trở nên nổi tiếng trong mấy năm gần đây.

Và trong từng cá nhân

Điều đáng chú ý là mối liên hệ giữa sự thành bại của các công ty Hàn Quốc với cảm giác về niềm kiêu hãnh hoặc hổ thẹn quốc gia còn mở rộng sang cả những người Hàn Quốc đã trở nên nổi tiếng hoặc tai tiếng trên thế giới.

Ví dụ như trong vụ thảm sát tại trường Công nghệ Virginia hồi năm 2007, trong đó sinh viên Seung-Hui Cho sinh ra tại Hàn Quốc đã bắn chết 32 người rồi tự sát. Sau khi tin lan tới Hàn Quốc, nhiều người ở Mỹ đã ngạc nhiên trước phản ứng của Hàn Quốc, khi người ta tổ chức thắp nến tưởng niệm trên phố và bày tỏ sự hổ thẹn tại nhiều nơi. Điều này xảy ra bởi ngay cả khi Cho rời khỏi Hàn Quốc từ khi còn nhỏ và lớn lên ở Mỹ, một số người Hàn Quốc vẫn cảm thấy họ phải chịu trách nhiệm về vụ thảm sát.

Tương tự, khi Tổng thống Pháp chỉ định Fleur Pellerin làm Bộ trưởng, dư luận Hàn Quốc đã sôi sục về bà. Pellerin sinh ra tại Hàn Quốc và được một cặp vợ chồng Pháp nhận làm con nuôi. Báo chí Hàn Quốc đã tích cực đưa tin về chuyện đời của Pellerin, dù bà hiện không nói được tiếng Hàn Quốc và chưa từng viếng thăm quê cha đất tổ trước khi được bổ nhiệm.

* Viet Aviation không chủ trương đưa tin tức giật gân, câu khách. Bài viết chỉ mang tính tham khảo về văn hóa Đại Hàn. 

** Ảnh minh họa: Chiếc Boeing 777-200ER số đăng ký HL7742 lúc chưa bị phá hủy ở San Francisco, USA.

Theo: Thể thao Văn Hóa

No comments:

Post a Comment