Egypt Air B777-300ER. Photo: udaloy
(TT) Sau tai nạn với chiếc Boeing 777 của Hãng hàng không Asiana tại San Francisco (Mỹ), các chuyên gia khẳng định thiết kế máy bay tốt đã giúp giảm thiểu tổn thất nhân mạng.
>> Mổ xẻ Boeing 787 Dreamliner <<
>> Photo: 10 hãng hàng không an toàn nhất thế giới <<
Trong khi cuộc điều tra vẫn tiếp diễn và kết quả cuối cùng có thể mất hàng tháng, thông tin từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NTSB) vào ngày 11-7 cho biết không có bằng chứng cho thấy sự cố máy móc là nguyên nhân dẫn đến tai nạn. “Không có gì bất thường ở bộ phận lái tự động, bộ phận điều khiển bay và bộ điều chỉnh tự động, dựa trên thông tin từ hộp đen” - Reuters dẫn lời lãnh đạo NTSB, bà Deborah Hersman.
Thiết kế cứu mạng nhiều hành khách
Các nhân chứng chứng kiến vụ tai nạn trưa 6-7 (giờ Mỹ) mô tả rằng trước khi đến được đường băng, chiếc máy bay đã chạm đất khiến phần đuôi bị xé toạc và phát hỏa. Tuy nhiên theo Reuters, phần thân máy bay hầu như còn nguyên vẹn và ngọn lửa đã không lan rộng cho đến khi phần lớn hành khách đã thoát ra ngoài. Điều này được cho là nhờ vào thiết kế máy bay và vật liệu kềm hãm lửa, không gây khói độc khi cháy, được phủ bên trong cabin, trên sàn và ghế ngồi. Theo Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), vật liệu này giúp tăng thời gian thoát hiểm lên 20%.
Transaero Airlines B777-200ER. Photo: B737NG
“Dù vụ va chạm là khủng khiếp nhưng đa số hành khách lại thoát ra được. Đây là chiếc máy bay rất an toàn” - ông Richard Aboulafia, chuyên gia phân tích hàng không thuộc Tập đoàn tư vấn Teal, nhận xét trên Business Week. Các bệnh viện cũng rất bất ngờ về số nạn nhân bị phỏng được đưa đến sau tai nạn. “Chúng tôi cứ nghĩ sẽ phải cứu chữa nhiều trường hợp bị phỏng nhưng thực tế không có” - bác sĩ Margaret Knudson thuộc Bệnh viện Đa khoa San Francisco cho biết.
Còn các nhà điều tra đang tập trung xem xét khả năng hai nữ hành khách Trung Quốc thiệt mạng là do bị xe cứu hỏa cán qua (do họ nằm khuất dưới lớp bọt cứu hỏa) sau khi lính cứu hỏa cho biết thấy ghế ngồi tại khu vực của các nạn nhân không hề bị hư hại.
Chiếc Boeing 777 được xem là một trong những máy bay an toàn nhất của Hãng Boeing do chưa từng gặp tai nạn chết người nào kể từ khi đưa vào sử dụng năm 1995.
Thai Airways B777-300. Photo: Lin.y.c
Thiết kế của nó đã được cải thiện nhiều sau những sự cố được ghi nhận trước đó, như thân máy bay và ghế ngồi được gia cố chắc chắn hơn. Trên Business Week, ông Todd Curtis - cựu chuyên gia phân tích an toàn của Hãng Boeing - cho biết ghế ngồi trên chiếc 777 chịu được tác động lớn gấp 16 lần trọng lực, theo tiêu chuẩn của FAA. Phần bên trong máy bay cũng được thiết kế để tránh cho các ghế ngồi dồn lại với nhau khi bị chấn động khiến hành khách khó thoát thân. “Sàn cabin bị oằn lại nhưng các ghế ngồi không bị đứt rời, giúp nhiều người không bị thương hay thiệt mạng” - ông Curtis giải thích.
Trong khi đó, phần cửa thoát hiểm cũng được thiết kế dễ mở hơn, giúp tiết kiệm thời gian. Cầu phao trượt, có thể dùng làm thuyền cứu sinh, cũng không còn giữ màu vàng truyền thống mà được phủ nhôm để tránh bị lửa làm xì.
Vẫn cần cải tiến
Tuy nhiên con số 181 người bị thương do tai nạn cũng đặt ra nhiều vấn đề về cải tiến. Nhiều hành khách kể với báo New York Times rằng phải dùng dao của tiếp viên chuyển cho để cắt đai an toàn nhằm thoát thân. Ngoài ra, hai chiếc phao trượt bị bơm ngược vào bên trong làm kẹt hai hành khách cho đến khi bị đâm xì. Các bác sĩ Mỹ cũng cho biết nhiều hành khách bị chấn thương cột sống dù có đeo đai an toàn. Dù vậy, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng các loại đai khác, như kiểu dây vòng qua vai trên xe hơi, có thể nguy hiểm hơn vì khiến lực tác động bị dồn về phía đầu và cổ.
Air Canada B777-300ER. Photo: sim08
Tuy nhiên dù máy bay được cải tiến đến đâu thì ý thức con người vẫn là một yếu tố quan trọng. Chẳng hạn sau khi máy bay phát cháy, người ta thấy có rất nhiều hành khách vẫn không quên vác theo hành lý, gồm rượu và các hàng hóa miễn thuế. “Tôi rất ngạc nhiên, và thậm chí hơi kinh hãi, khi thấy hành khách khệ nệ ôm đồ đạc khỏi máy bay” - phi công Patrick Smith bày tỏ trên New York Times sau khi xem hình ảnh tai nạn. Theo ông, giữa thời khắc sinh tử thì việc chậm trễ dù chỉ một giây không chỉ đe dọa mạng sống của chính hành khách đó mà cho cả những người phía sau. “Cầu trượt thoát hiểm được thiết kế để mọi người thoát ra càng nhanh càng tốt nhưng không kèm theo hành lý” - ông Smith giải thích.
Theo: Trần Phương (Tuổi Trẻ)
Photo: Flickr.com
No comments:
Post a Comment